Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Quảng Hưng  - TP.Thanh Hóa

AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM MÙA LỄ HỘI

Đăng lúc: 00:00:00 29/01/2023 (GMT+7)
100%

Mỗi mùa lễ hội, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại trở thành chủ đề “nóng”. Mặc dù năm nay do dịch bệnh, nhiều lễ hội không được tổ chức hoặc hạn chế số lượng người tham dự, nhưng nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn.

 Tháng Giêng là thời kỳ cao điểm tập trung đông người ở các di tích, thắng cảnh nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm ở những nơi này cũng tăng cao. Ảnh: Ngọc Mai

Chưa bao giờ hết “nóng”

Tháng Giêng là thời kỳ cao điểm tập trung đông người ở các khu di tích, danh lam thắng cảnh, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao. Hàng quán tại các lễ hội mọc lên như nấm, từ những quán ăn bề thế đến những gánh hàng rong tạm bợ bán bánh tráng, nem chua, xúc xích đều thu hút thực khách. Đặc điểm chung của những quán ăn ở khu vực này là không được che đậy hay bảo quản kỹ càng. Vì vậy, ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng”.

Theo lý giải của các chuyên gia, lễ hội mang tính chất thời vụ nên việc chế biến, sản xuất thực phẩm của các cá nhân, hộ gia đình thường không chuyên nghiệp, sản phẩm khó đảm bảo chất lượng vệ sinh, ATTP. Bên cạnh đó, các lễ hội thường tổ chức ở ngoài trời nên dịch vụ ăn uống cũng mang tính chất tạm thời, lều quán đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu người thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; nhiều nơi, hàng quán được bố trí ngay ở đường đi, không đủ điều kiện ngăn gió bụi, mưa nắng, ruồi, chuột..., làm cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm, hư hại.

Người bán hàng, chế biến thực phẩm thiếu kiến thức về ATTP, trong khi lượng người đi lại, ăn uống đông đúc, dồn dập dễ tạo nguy cơ mất an toàn. Ở một số khu vực, người bán hàng không đeo găng tay khi lấy đồ ăn, bốc thực phẩm sống để chế biến món ăn rồi lại bốc thực phẩm chín, rất mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, việc thực phẩm được bày bán lộ thiên, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch sẽ có thể khiến thực khách mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli, lao phổi, viêm gan... Do vậy, cần nâng cao nhận thức của những người kinh doanh thực phẩm ăn uống tại các lễ hội để họ hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này với sức khỏe người tiêu dùng.

Mùa lễ hội thường có mưa phùn, tạo điều kiện cho thực phẩm, thức ăn, đồ uống dễ bị hư hỏng, bị nhiễm mầm bệnh và dễ gây bệnh. Đặc biệt, những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, béo như thịt, hải sản tiềm ẩn nguy cơ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển gây ngộ độc thực phẩm. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng người đến lễ hội lớn, nếu các cơ sở ăn uống không đảm bảo 5K, việc lây nhiễm bệnh sẽ khó kiểm soát.

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, vấn đề vệ sinh ATTP tại các lễ hội đầu năm nay đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn, công tác vệ sinh chưa đảm bảo.

Do vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở bán hàng ăn trong mùa lễ hội phải ký cam kết bảo đảm ATTP và đáp ứng những điều kiện bắt buộc, đó là khu vực chế biến và dụng cụ chế biến thực phẩm phải sạch sẽ; có nguồn nước hợp vệ sinh để rửa bát đũa; có tủ bảo quản thực phẩm; thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc.

Còn theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cơ quan này sẽ tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp thực phẩm, chế biến, phục vụ ăn uống, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, nguồn nước, dụng cụ, trang thiết bị, lưu mẫu thức ăn, lấy mẫu thực phẩm để phân tích các yếu tố nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm và công tác vệ sinh của các nhân viên phục vụ. Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở Y tế một số tỉnh, thành phố về việc tăng cường bảo đảm ATTP mùa lễ hội xuân 2022.

Theo đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Các địa phương cần nghiêm túc xử lý vi phạm và công khai cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Các nguyên tắc bảo đảm ATTP cần phải duy trì tốt, như sử dụng nước sạch, vệ sinh quầy tủ hàng, bàn ghế, phương tiện bảo quản, phương tiện tiếp phẩm; có dụng cụ thu gom chất thải, rác thải kín, tránh để ruồi, muỗi, côn trùng, chuột... xâm nhập và phát triển. Dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm phải sạch, phải có dụng cụ riêng cho thực phẩm sống và chín. Người bán hàng phải có trang phục riêng, có đủ áo, mũ, khẩu trang che miệng. Phải rửa sạch tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm, không dùng tay trực tiếp cầm, nắm, bốc thức ăn. Phải có dụng cụ riêng để gắp, múc thức ăn. Không bày bán thực phẩm sát mặt đất, cần phải có phương tiện che đậy, bao gói thực phẩm đảm bảo vệ sinh...

Thêm quyền cho người tiêu dùng

Bên cạnh việc quản lý và nâng cao nhận thức của đội ngũ kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về cách dùng thực phẩm an toàn trong mùa lễ hội. Theo đó, để bảo đảm sức khỏe bản thân, mỗi người dân tham gia lễ hội, khi có nhu cầu ăn uống cần tìm đến những hàng quán được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những hàng quán có không gian sạch sẽ. Tuyệt đối tránh sử dụng những món ăn không có dụng cụ che đậy, bảo quản, bị ruồi muỗi bu bám; không ăn những món ăn sống, tái...; không sử dụng thực phẩm có mùi lạ. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đưa ra lời khuyên: Người dân nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố bởi những thức ăn này thường không được bảo quản tốt, nếu thời tiết nắng nóng hay ẩm ướt đều thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi. “Người bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng cần đến cơ sở y tế sớm, không nên tự ý dùng thuốc. Nếu đến muộn, cơ thể mất nước, nhiễm độc nặng thì có thể dẫn tới suy đa tạng, nguy hiểm tới tính mạng” - bác sĩ Trung Nguyên khuyến cáo.

Một số chuyên gia cho rằng, không chỉ ở các lễ hội mà nói chung khi sử dụng thực phẩm, người dân chưa thực sự quan tâm tới việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, trong khi sự minh bạch thông tin là thước đo chất lượng. Đã đến lúc người dân cần chú trọng tới quyền tham gia giám sát nguồn gốc thực phẩm. Tuy vậy, chỉ giám sát thôi thì chưa đủ, người tiêu dùng cần có thêm các kênh thông tin “mạnh” hơn để sử dụng quyền lựa chọn hay tẩy chay sản phẩm chứ không chỉ phản ứng giận dữ trên mạng xã hội và sau đó không làm được gì khác hơn.

Ngoài ra, cơ quan chức năng nên quy định rõ ràng về việc công khai thường xuyên tên của các cơ sở và tên các chủ cơ sở vi phạm để người dân không sử dụng sản phẩm của các cơ sở này nữa. Đặc biệt, cần đưa vào hồ sơ quản lý cơ sở vi phạm và hồ sơ này phải được liên thông rộng rãi, tránh tình trạng bị phạt ở quận này lại dễ dàng đổi tên cơ sở, chạy sang quận khác.

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289